VỀ BÀI THƠ “CẢM ƠN NGƯỜI TẶNG CAM”

Đăng lúc: 00:00:00 19/08/2019 (GMT+7)

Nữ sĩ Hằng Phương (1907-1983) có ghi những dòng sau đây trong những tập bản thảo để lại: “Hôm nay là ngày mồng một tết dương lịch năm 1946. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập mới hơn bốn tháng. Tôi ngồi ở chợ Thanh Hóa đợi một người bạn mua vài thứ, rồi cùng về Hà Nội. Tôi đi Thanh Hóa chuyến này bằng ôtô hàng vì xe lửa không chạy được”

Những bức tường lớn quanh chợ đều kẻ khẩu hiệu chữ to đập vào mắt tôi: “Hồ Chí Minh muôn năm!” làm cho tôi rất cảm động, nhớ đến một việc xảy ra trước đó vài ngày. Tình hình Thủ đô ta lúc bấy giờ thật lộn xộn, chính quyền cách mạng còn trong trứng nước. Bọn phản động dựa vào quân đội nước ngoài để quấy rối. Hôm đó, tôi đang đi ở phố Hàng Thiếc thì gặp một bọn chừng hơn mười đứa vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Đòi cơm áo cho dân”. Bầy người lộn xộn và hung hăng đi đến giữa phố thì một em trai, chừng mười hai tuổi, chạy ra đứng giữa đường, giang tay chắn ngang và hô lớn: “Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Bọn phản động tóm lấy em, định hành hung. Đồng bào đi đường và đồng bào ở các nhà đổ ra ôm lấy em bé, gạt bọn phản động ra:
“- Các người yêu cầu tự do, các người muốn nói gì cũng không ai cấm. Thằng em nó nói lên lòng kính yêu Cụ Hồ của nó, các người cấm sao được!”.
Bọn kia đuối lý, đành bỏ đi. Bà con nói với nhau:
“Nghe đâu bọn này được thuê mỗi đứa ba đồng đấy!”.
Nhớ lại hình ảnh dũng cảm của em bé mà tôi mến phục. Tôi lại nhớ đến những mẩu chuyện về Cụ Hồ mà tôi được biết qua anh Hoàng Hữu Nam, anh họ tôi. Hàng ngày anh được làm việc với Bác ở Bắc Bộ phủ. Lúc đó, đề phòng địch đánh úp Hà Nội, cán bộ ta cứ tối đến là đem tài liệu ra ngủ ở một nhà quen, xa trung tâm thành phố. Các anh gọi là: “ngủ du kích”. Anh Nam thường đến ngủ nhờ gia đình tôi ở Thái Hà. Anh kể cho chúng tôi nghe: Bác làm việc rất khuya, trời rét căm căm, nghe tiếng một em bé rao bánh mỳ vào nửa đêm, Bác mở cửa nhìn theo, ứa nước mắt. Bác thường ăn cơm cùng anh em làm việc ở Bắc bộ phủ, Bác ước mong sau này, nhân dân ta, mỗi gia đình hằng tuần được ăn một con gà.
Những mẩu chuyện ấy cứ trở lại trong đầu tôi khi ngồi ở chợ tỉnh Thanh. Tôi đã được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là Cụ Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng vĩ đại đã từng bôn ba nhiều nước, đã từng chịu đựng nhiều gian nan để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đồng bào vô cùng kính mến và tin tưởng Cụ. Cụ là người lãnh đạo cuộc cách mạng, đánh đuổi thực dân giành độc lập cho Tổ quốc.
Tôi nhớ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình và khi Người đến khai mạc “Triển lãm văn hóa bí mật và công khai” ở trụ sở Hội văn hóa cứu quốc. Người làm việc nhiều, lo nghĩ nhiều, lại mới ở chiến khu về, nên vóc gầy và xanh xao. Tôi nghĩ thế và nhìn thấy những thúng cam vàng tươi đầy chợ. Có thứ cam làng Giòng, quả nhỏ bằng miệng chén trà, vỏ mỏng, ngọt lịm. Tôi thường nghe nói bà con nông dân có củ khoai to, quả bí lớn thì gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nảy ra ý định là mua thứ cam quý này đem về biếu Người. Giống cam Giòng cũng hiếm, tôi chọn mua được mười quả đẹp nhất, cành lá xanh tươi. Một chục quả cam có lẽ ít quá, tôi nghĩ như vậy, nhưng rồi tự nhủ: ít mới quý, Chủ tịch Hồ Chí Minh cò cần nhiều đâu. Trên xe ô tô về Hà Nội, tôi nâng niu gói cam trên tay, sợ xe xóc, cam bị giập.
Xe chạy qua khu đèo Đồng Giao, hai bên đường lau sậy cao vút. Lúc này ở đây bọn cướp có súng thường xông ra chặn đường cướp của, đôi khi giết người. Lần trước đi qua, thoáng thấy bóng người trong đám lau sậy, tôi đã giật mình. Nhưng chuyến đi này, gói cam đã thu hút mọi cảm nghĩ của tôi. Một chục cam nhỏ mọn này làm sao nói lên được tấm lòng nhân dân quý mến Người? Tôi chợt nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh hay làm thơ, chắc Người cũng thích thơ ca. Hay ta làm mấy câu thơ kèm theo gói cam kính dâng Người? ý nghĩ ấy làm cho tôi sung sướng quá, muốn reo lên, xe chạy qua Đồng Giao lúc nào tôi không biết…
Thế là từ dó cho tới khi về đến nhà, tôi mải miết nghĩ về mấy câu thơ. Đến trưa hôm sau, tôi mới làm xong. Khoảng ba giờ chiều hôm ấy (2-1-1946), tôi lên Bắc Bộ phủ.
Vào những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng tiếp nhân dân, nếu ai muốn yết kiến lãnh tụ của mình. Ở cổng vào Bắc Bộ phủ có anh vệ quốc quân rất trẻ đứng gác. Tôi xin phép vào, anh hiền lành gật đầu, không đòi hỏi giấy tờ gì cả. Vào đến phòng khách, tôi đưa gói cam nhỏ và chiếc phong bì trong có bài thơ, và nói với đồng chí tiếp khách:
- Thưa ông, tôi đi xa về, có gói cam kính biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với bài thơ. Chiều nay, sau bữa cơm, nhờ ông đưa giúp lên để Cụ tráng miệng.
Đồng chí tiếp khách liền nói:
- Ấy, Cụ đang ở phòng bên. Cụ sắp sang bây giờ. Bà chờ một tí.
Được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là một điều tôi vô cùng mong ước, nhưng lúc bấy giờ không hiểu sao tự nhiên tôi lại sợ, nếu gặp Người thì biết nói năng ra sao, vì đã có bài thơ thay lời tôi. Tôi lúng túng trả lời:
- Thưa ông, thì giờ quý báu của Cụ còn để lo việc nước, tôi đâu dám làm mất thì giờ của Cụ.
Nói xong, tôi chào đồng chí đó, rồi tất tả bước xuống thềm ra khỏi cổng, chào anh vệ quốc, rồi đi mau ra đường. Hết hồi hộp, trên đường về nhà tôi lại lo: Mình làm như thế có điều gì bất kính với Bác Hồ không? Hay những chuyện nhỏ mọn ấy lại làm mất thì giờ của Người? Tôi lo lắm, không yên tâm, nhưng không dám thổ lộ với ai.
Đến tối ngày 8-1-1946, như thường lệ, anh Hoàng Hữu Nam về nhà tôi, vừa thấy tôi, anh nói ngay:
“- Tôi thấy Cụ có bài thơ: “Cảm ơn người tặng cam” ở báo đấy”.
Tôi mừng quá, hỏi anh có đem tờ báo theo không? Anh nói anh bận quá nên đã quên, không đem theo tờ báo về.
Sáng hôm sau, tôi lên Hà Nội đến phố Hàng Bồ và mua được tờ Tiếng gọi phụ nữ - Cơ quan tuyên truyền của Phụ nữ cứu quốc, số 11 ra ngày 8-1-1946, thấy một mục có những dòng như sau:
Thơ của Hồ Chủ tịch trả lời Bà Hằng Phương:
“Bà Hằng Phương gửi biếu tôi một gói cam, kèm theo một bài thơ. Vì không biết chỗ Bà ở, tôi không biết gửi thơ cảm ơn đến đâu. Nên tôi nhờ báo Tiếng gọi phụ nữ đăng mấy lời cảm tạ của tôi như sau:
Thơ Bà Hằng Phương kính gửi Hồ Chủ tịch
Cam ngon Thanh Hóa vốn Giòng
Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu.
Đắng cay Cụ nếm đã nhiều
Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây
Cùng quốc dân hưởng những ngày
Tự do, hạnh phúc tràn đầy trời Nam
Anh hùng mở mặt giang san
Lưu danh thiên cổ, vẻ vang giống nòi.
Tháng giêng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
năm thứ hai (02-01-1946)
Hằng Phương
Kính bút
Trả lời
Cảm ơn bà biếu gói cam,
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai
Tháng 1 năm 1946
Hồ Chí Minh
Tôi cầm tờ báo, xúc động, nước mắt trào ra. Cách đó vài hôm, anh Hoàng Hữu Nam bảo tôi: “Cụ Hồ có hỏi tôi về người biếu cam”. Tôi nói: “Nó là em cháu”.
“Như vậy, cô nên đến gặp Cụ”. Tôi định đến Tết ta thì lên Bắc Bộ Phủ chúc tết Người.
Ngày tết, theo tục cổ truyền của dân tộc, ai có áo đẹp nhất, mới nhất đều đem ra mặc. Cũng như mọi người, mồng một Tết Bính Tuất, Hằng Phương vấn tóc trần như mọi ngày, mặc áo lụa tím dài thêu kim tuyến, quần xa tanh trắng, đi giày nhung đỏ do cô thêu lấy trên mũi giày con phượng bằng kim tuyến, khoác áo măng tô đen, cổ áo bằng lông thú. Cô cầm một bông cúc trắng to và một cành tùng mua từ hôm trước, lên Bắc Bộ phủ. Đem tùng và cúc lên chúc Tết Cụ Hồ, Hằng Phương có ý dựa vào điển: “Cúc tùng vẫn tiết”, ví người anh hùng có khí tiết, chịu đựng gió sương mà vẫn cứng cáp, xanh tươi như cây tùng, cây cúc.
Trở về nhà, Hằng Phương kể:
Đến cửa phòng khách (ở Bắc Bộ phủ) thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở phòng bên đi ra. Đồng chí tiếp khách nói với Người: “Người biếu cam…”. Đồng chí ấy nói nhỏ, nhưng ở nơi yên tĩnh, tôi nghe được.
Người đi vào phòng khách, giơ tay ra hiệu cho tôi vào. Người đi trước, tôi và đồng chí tiếp khách theo sau.
Thấy tôi đứng, Cụ đưa hai tay vẫy, bảo tôi ngồi xuống. Tôi bỏ ví xuống ghế, hai tay cầm bông cúc và cành tùng tiến đến dâng Người và nói:
- Cháu là Hằng Phương, năm mới, cháu lên chúc Cụ mạnh khỏe sống lâu với non sông đất nước, lãnh đạo cách mạng thắng lợi.
Cụ vui vẻ cầm bông cúc và cành tùng cắm vào cái bình ở bàn và lại giơ tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế. Nghe tôi nói giọng miền Nam, Cụ hỏi – tiếng sang sảng như tiếng chuông:
- Chị ở miền Nam mới ra à?
- Thưa Cụ, quê cháu ở Quảng Nam, chồng cháu là người ngoài này.
Cụ nói:
- Dạo trước, gửi cho tôi bài thơ và gói cam, nhưng chị không vào gặp, lại không ghi địa chỉ, nên tôi mới đăng báo.
Tôi thưa:
- Cháu đã được đọc bài thơ Cụ trả lời. Thật vinh dự lớn nhất đời cháu.
Cụ “hừ” nhỏ một tiếng, như ông bác đối với cháu, và nói:
- Chị phong kiến thế! Đưa thơ thì phải vào gặp.
Tôi thưa:
- Cháu sợ mất thì giờ của Cụ!
Cụ gọi lấy nước uống. Đồng chí tiếp khách rót nước đã nguội, Cụ liền bảo:
- Lấy nước khác! Lấy nước khác!
Tôi vội cầm chén nước uống hết và nói:
- Thưa Cụ, cháu đã uống rồi!
Ý nghĩ của tôi là: được uống nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban cho, dù nước nguội cũng quý. Tôi đứng dậy nói:
- Hôm nay, cháu lên chúc tết Cụ, được thấy Cụ hồng hào hơn ngày đọc “Tuyên ngôn độc lập” ở Quảng trường Ba Đình và ngày Cụ đến khai mạc “Triển lãm văn hóa” cháu rất lấy làm mừng.
Người nói một cách bình dị:
- Ấy là vì tôi ở miền rừng núi lâu ngày nên bị ngã nước.
Thấy tôi đứng dậy, Cụ giơ tay ra hiệu bảo tôi ngồi xuống.
Tôi vâng lời Người. Người hỏi:
- Thế hôm nay lên chúc tết tôi có thơ không?
Tôi thưa:
- Cháu chưa nghĩ được câu nào.
Người bảo:
- Từ rày, hễ có thơ thì gửi tôi xem!...
Tôi kính đáp:
- Cháu xin vâng lời Cụ dặn.
Người lại hỏi:
- Thế chị làm gì có cam Thanh cho tôi?
Tôi thưa:
- Cháu vào bán hàng ở Thanh Hóa.
Cụ hỏi :
- Đi buôn à?
Tôi thưa:
- Cháu đem ít văn phòng phẩm vào để bán, để giúp thêm cho gia đình. Cụ lại hỏi:
- Thế anh ấy làm gì?
Tôi nói:
- Thưa Cụ, chồng cháu viết văn, dạo này, đường sá khó đi, sách bán không chạy, nên nhà xuất bản không lấy sách nữa. Ngay những khi họ lấy sách, người viết cũng chẳng được là bao. Rồi sách mình bày đẹp đẽ trong tủ hàng của họ, người viết sách qua đường nhìn tác phẩm của mình cũng hững hờ chàng Tiêu vậy.
Nghe tôi nói thế, Người cười và bảo:
- Chị về nói cho anh chị em nhà văn biết: Từ rày có cách mạng, người viết văn sẽ không bị bóc lột nữa. Rồi sẽ có chế độ nhuận bút giải quyết thích đáng quyền lợi của văn nghệ sĩ.
Tôi thầm nghĩ: ngày Tết chắc còn nhiều khách muốn vào thăm Người nên tôi định đứng dậy, Người biết ý, vẫy tay bảo hãy ngồi xuống, và Người hỏi tôi:
- Thế chị có mấy cháu?
- Thưa Cụ, cháu đã có sáu cháu, chúng đều còn nhỏ ạ.
Người cười và bảo:
- Rồi chị sẽ có một chục!
Người gọi lấy kẹo. Đồng chí tiếp khách đem ra một hộp kẹo rất đẹp đặt lên bàn. Người cầm hộp kẹo đưa cho tôi và dặn:
- Chị đem về chia cho các cháu, nói là quà Tết của Cụ Hồ. Tôi đứng dậy, hai tay bóp lấy hộp kẹo, cảm tạ Người và cúi đầu chào, xin phép Người ra về.
Người giơ tay bắt tay vôi và dặn lại:
- Từ rày có thơ thì gửi cho tôi xem.
Tôi kính đáp:
- Cháu xin nhớ lời Cụ.
Trong suốt đời làm thơ của mình, có bài thơ nào của mình mà Hằng Phương cho là được, cô đều chép gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xem. Những ngày Người đã yếu, Người còn chú ý đến bài bút ký: “Trong phong trào ba đảm đang – Hướng ra tiền tuyến” của Hằng Phương đăng trên báo Nhân dân (Số 5383 ra ngày 8-1-1969) viết về Đại hội thanh niên xung phong ở Cầu Cấm. Người cho cầm số báo đến nhà, hỏi lại Hằng Phương cho rõ và Người đã căn cứ vào bài bút ký nói trên ban giấy khen Đại hội thanh niên xung phong số 333 (Báo Nhân dân số chủ nhật 9-2-1969).
(trích từ sách Bác Hồ với đất Quảng, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, tr.116-125) 

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
326562